Lựa chọn dây là một phần quan trọng của việc thiết kế hệ thống điện của một công trình xây dựng vì nó ảnh hưởng đến sự an toàn, chức năng, hoạt động và khả năng sửa chữa đường dây cũng như hệ thống các thiết bị liên quan. Bởi vì có rất nhiều loại dây điện và cáp điện với tiêu chuẩn sản xuất khác nhau, việc lựa chọn dây điện hoặc cáp điện phù hợp với nhu cầu sử dụng là vấn đề cần tìm hiểu và cân nhắc khi chọn.
Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu vấn đề liên quan đến dây điện và cáp điện dân dụng, thông qua việc trả lời một số các câu hỏi thường gặp, nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Khái niệm dây điện và cáp điện
Về cơ bản, dây điện (hoặc gọi đầy đủ là dây dẫn điện) là loại dây dẫn bao gồm 1 ruột kim loại dẫn điện bằng chất liệu đồng (Cu) hoặc nhôm (Al) nằm trong một vỏ cách điện. Dây điện có thể có loại dây trần, hoặc dây bọc cách điện có thể là 1 hoặc 2 lớp cách điện nhưng chỉ có 1 lõi dây dẫn điện.
Cáp điện hoặc dây cáp điện là loại dây bao gồm dây dẫn và cáp, sử dụng trong những trường hợp có yêu cầu cao về an toàn cũng như cách điện. Cáp điện có thể được bọc thép và chống va đập, sử dụng cho các trường hợp cáp đi ngầm, có thể chống cháy nổ ở những môi trường có nhiệt độ cao hoặc những thiết bị cần đảm bảo yêu cầu điện cao trong các trường hợp xảy ra cháy nổ.
Tiết diện dây dẫn điện 1.5, 2.5, …mm2 là gì?
Chúng ta thường nghe thấy hoặc đọc được thông tin về sản phẩm dây điện có tiết diện dây dẫn điện 1.5, 2.5, 6.0…đi cùng với đơn vị đo, thường là mm2. Vậy con số này là gì và nó có ý nghĩa như thế nào cho việc chọn lựa dây điện?
Tiết diện dây dẫn điện là diện tích mặt cắt của phần lõi đồng dây dẫn điện. Nếu tiết diện dây dẫn nhỏ nhưng công suất hoạt động của thiết bị lại lớn, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải làm nóng dây dẫn, dòng điện chập chờn… Thời gian dài sử dụng sẽ làm dây điện giòn, lớp vỏ bọc cách điện nóng chảy, gây đứt, chập cháy hệ thống dây dẫn điện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy nổ nguy hiểm.
Như vậy có thể nói, tiết diện dây dẫn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công suất chịu tải của dây dẫn cũng như việc thiết kế hệ thống điện trong nhà.
Các loại dây điện có tiết diện khác nhau sẽ chịu tải công suất như thế nào?
Để biết được công suất chịu tải của dây dẫn điện trước tiên ta cần phải tính được dòng điện chịu tải của dây dẫn là bao nhiêu. Theo đó, ta có công thức tính độ lớn dòng điện chịu tải của dây dẫn:
I=S.Jkt
Trong đó:
S: là tiết diện dây dẫn (mm2)
Jkt: là mật độ dòng điện cho phép A/mm2. Trong đó A là dòng điện định mức, có thể tham khảo giá trị A ở bảng bên dưới.
I: Dòng điện chịu tải của dây dẫn
Đối với trường hợp sử dụng trong dân dụng thì ta lấy mật độ dòng điện cho phép với dây đồng xấp xỉ là 6A/mm2, dây nhôm xấp xỉ là 4,5A/mm2.
Khi đã có được dòng điện chịu tải của dây dẫn ta nhân với điện áp thì sẽ tính được công suất chịu tải tối đa mà loại dây đẫn đó.
P = U.I.Cosφ
Trong đó:
P: Công suất chịu tải của dây dẫn.
U: Điện áp hoạt động.
I: Dòng điện định mức của dây dẫn.
Cosφ: Hệ số công suất (khi sử dụng trong dân dụng thường lấy giá trị bằng 1)
Bảng tham khảo dòng điện định mức một số loại đây điện
Trên lớp vỏ bọc dây điện thường in các thông tin nhà sản xuất cùng với các thông số của sản phẩm. Vậy các thông số ký hiệu trên dây điện có ý nghĩa như thế nào?
Đối với nhiều loại sản phẩm dây điện sử dụng phổ biến thì thông thường trên dây điện đều có ký hiệu loại dây, tiết diện cấp điện áp của dây.
VD1: VCm-0.5-300/500V
Trong đó:
VCm: là ký hiệu loại dây dẫn.
0.5: là tiết diện của dây dẫn.
300/500V: là cấp điện áp của dây dẫn.
VD2: VCmo-2×1.5-300/500V
Trong đó:
VCmo: là ký hiệu loại dây dẫn.
0.5: là tiết diện của dây dẫn.
300/500V: là cấp điện áp của dây dẫn.
Ngoài ra, trên vỏ bọc ngoài của dây dẫn điện còn có thông tin về nhà sản xuất, tiêu chuẩn áp dụng và thời gian sản xuất dây điện như hình bên dưới.
Tại sao khi sử dụng dây điện lại có hiện tượng bị nóng?
Dây điện phát sinh quá nhiệt khi sử dụng là biểu hiện của trường hợp quá tải hoặc chạm chập. Hiện tượng này nếu để kéo dài rất dễ xảy ra sự cố không mong muốn.
Với trường hợp này chúng ta nên nhờ những người có chuyện môn và có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra lại tuyến dây gây ra hiện tượng sinh nhiệt. Nếu như bị quá tải thì phải thay đường dây mới với tiết diện lớn hơn để đảm bảo luôn cung cấp đủ tải cho thiết bị sử dụng.
Như vậy, chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược một số khái niệm liên quan đến dây và cáp điện.